Vân chữ của Hồ Huy

Vân chữ của Hồ Huy. Đọc Tản văn của Hồ Huy, từ những bài đầu tiên, ta đã bắt gặp cái tạng riêng ấy - một lối văn hoà điệu tuyệt vời cùng thơ, nhạc họa

Hà Hoài Phương

Sinh thời, nhà thơ Lê Đạt viết: “Mỗi công dân đều có một dạng vân tay. Mỗi người nghệ sĩ thứ thiệt đều có một dạng vân chữ”. Không phải ai cầm bút cũng có được vân chữ. Phải là nghệ sĩ, mà là nghệ sĩ thứ thiệt, vân chữ mới trổ thành tạng, thành lối, thành phong cách. Như lối tuỳ bút Nguyễn Tuân, như phong cách thơ Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử hay phong cách truyện Nam Cao, Thạch Lam...

Đọc Tản văn của Hồ Huy, từ những bài đầu tiên, ta đã bắt gặp cái tạng riêng ấy - một lối văn hoà điệu tuyệt vời cùng thơ, nhạc và hoạ. Có cảm tưởng mỗi bài tản văn của anh là một bài thơ, một khúc ca hay một bức hoạ được vẽ bằng ngôn từ.

Hãy đọc và cảm nhận trọn vẹn những trùng điệp trầm bổng âm vang của ngôn từ trong tản văn Những người thiên cổ của Hồ Huy: “Những bụi nắng sau cơn mưa phùn đã lốm đốm nở sau chái bếp. Hoa xoan tím te tím tái nhạt nhòa ở đâu đó bên những bờ vắng dậu thưa. Con sông quê vẫn đằm mình nhớ thương ngày tháng cũ. Bóng dáng những người thiên cổ như quê hương bằn bặt ráng chiều.”

Đó là cái ngân nga trữ tình của thơ của nhạc, là sắc màu đường nét chấm phá vờn vẽ của hội hoạ. Nó lôi cuốn người đọc ngay từ những dòng đầu tiên, nó khiến người ta muốn phiêu du theo dòng cảm xúc của tác giả.

Nhưng đọc kĩ, người ta không thấy cái dụng công luyện chữ của Hồ Huy, tác giả không cần cố để chuốt cho lời hay cho tứ đẹp, như thể đặt bút xuống thì ngôn từ tự khắc “bay lên”, thành thơ, thành nhạc, thành hoạ vậy: “Nắng nhìn qua song thưa, chim hót qua song thưa, tiếng ai nói qua song thưa, còn tôi chạy một lèo qua song thưa ngắm nhìn những bờ bến cũ. Than ôi những bờ bến cũ! Những bờ bến cũ giờ đã ồn ã hơn những buổi chiều xưa ông tôi giong buồm lưới chài. Giờ thuyền bè đã chạy bằng máy cả, lấy đâu ra một cánh buồm tuổi thơ chênh chao?”.

Tôi xác quyết rằng, cái hơi văn ấy, cái điệu hồn ấy không thể cố mà được hay nắn nót mà thành. Bởi nó không hề là sự hoa mỹ thuần tuý, làm người ta thích đấy rồi quên đấy. Lặn dưới lớp ngôn từ dạt dào xúc cảm kia là những nghĩ suy, những ưu tư, những buồn thương đau đáu, khơi gợi những rung động, đồng cảm sâu xa ở người đọc.

Tản văn của Hồ Huy luôn có sự hoà quyện tuyệt vời giữa vẻ đẹp của ngôn từ với vẻ đẹp của hồn người, của trí tuệ, tạo thành phong cách riêng, khó nhầm lẫn. Mượn chữ của Lê Đạt, tôi gọi là “vân chữ” của Hồ Huy!
Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc “vân chữ” tài hoa, độc đáo của Hồ Huy qua tản văn “Những người thiên cổ”.

Hà Hoài Phương

Những người thiên cổ


Những bụi nắng sau cơn mưa phùn đã lốm đốm nở sau chái bếp. Hoa xoan tím te tím tái nhạt nhòa ở đâu đó bên những bờ vắng dậu thưa. Con sông quê vẫn đằm mình nhớ thương ngày tháng cũ. Bóng dáng những người thiên cổ như quê hương bằn bặt ráng chiều.

Chiều đã như chiều tự bao giờ. Quê hương trong tôi luôn là những buổi gió còn ngồi trên lưng chiều mà hổn hển buồm ngược buồm xuôi. Bà tôi ngồi nơi đầu bến, chờ ông tôi về những mẻ cá mẻ tôm xanh xanh mắt lưới.

Bữa cơm chiều nhà tôi thường bắt đầu rục rịch vào lúc ba bốn giờ chiều. Giờ ông tôi đi biển về, cơm chỉ có cá, tôm, cua, những thứ mà tuổi thơ tôi chỉ chực nhìn là phát ngán. Ông ngồi vừa gỡ con cá tươi vừa thủng thẳng: các ông ở trung ương lấy đâu ra mà ăn.

Ông làm nghề săm lưới cá tôm nhưng trên gác xép lại toàn sách là sách. Tính thì kỹ lắm, hễ một chút là dặn con cháu phải cẩn thận thứ này, cẩn thận thứ kia. Nhưng ngồi xe ô tô đi chữa bệnh trên tỉnh về có ít tiền giắt túi cũng bị kẻ gian lấy mất.

Ngày còn sống ông trồng một vườn hòe, dặn bà tôi: tôi trồng cho bà vườn hòe này, mai sau tôi có nằm xuống thì bà cũng không phải nhờ con nào. Mấy năm sau ông mất, mẹ và các dì tôi lục được trong phòng ông một cái lon sữa bò chôn dưới nền gạch, bên trong là những đồng tiền lẻ ông gom góp, những đồng tiền đã ố vàng, hoen gỉ cùng cái lon sữa bò…

Bà tôi cũng yếu dần, nhưng mùa hòe nào cũng phải thuê thêm năm bảy người để hái hoa. Mỗi lần rủng rỉnh tiền bạc lại gọi các cháu ra cho, bao giờ cũng kèm thêm lời dặn: bà cho, nhưng cấm về không được khoe với bố mẹ nghe chưa! Nhiều khi ai biếu thứ này thứ kia cũng để dành cho tôi thứ bảy đi học trên tỉnh về. Lắm lúc những thứ quả vì để lâu đã héo úa không còn ăn được nữa, nhưng khi bà hỏi có ngon không tôi đều thủng thẳng trả lời: ngon lắm bà ạ!

Sau cái đận mấy nhà báo về chụp ảnh bà tôi cùng vườn hòe ông để lại bà tôi cũng lặng lẽ theo ông. Mẹ tôi thường bảo: mới đó mà đã thành người thiên cổ rồi.
Rồi lần lượt cậu tôi, một họa sỹ nửa mùa, dì tôi, một người du học ở trời tây năm năm trời, khi về nước chỉ mang theo một va ly toàn họa báo và một con lật đật tặng cho tôi cũng lần lượt qua đời.
Nhớ tới lời mẹ nói: mới đó mà đã thành người thiên cổ rồi…

Một ngày vãn xuân, mùa hạ bắt đầu la liếm theo dấu chân mấy con bọ ve trên những thân cây hòe xù xì bùn đất. Tôi trở về quê hương sau những tháng ngày biền biệt cách xa. Cây hòe lớn tuổi nhất trước kia ông tôi trồng ở đầu cổng nay đã già rồi. Những tán hòe đã xanh thưa gạ gục lên bờ tường gạch loe hoe vàng hoa. Những cây trong vườn đã già cả rồi, chỉ có tôi còn lơ ngơ trong tiếng chim huyên náo gọi bầy lây phây nắng nhìn song thưa…

Nắng nhìn qua song thưa, chim hót qua song thưa, tiếng ai nói qua song thưa, còn tôi chạy một lèo qua song thưa ngắm nhìn những bờ bến cũ. Than ôi những bờ bến cũ! Những bờ bến cũ giờ đã ồn ã hơn những buổi chiều xưa ông tôi giong buồm lưới chài. Giờ thuyền bè đã chạy bằng máy cả, lấy đâu ra một cánh buồm tuổi thơ chênh chao?
Tôi vừa khóc vừa cười nhớ tới câu nói của ông tôi: Mấy ông ở trung ương lấy đâu ra cá này mà ăn?

Tôi chạy một quãng đê vắng, những con diều tuổi thơ bay lên trên kia ai hay ngày đã sang mùa? Mùa đã neo vào những ngày tháng cũ? Mùa đã neo vào những hình hài cũ? Mùa đã neo vào những hơi thở cũ? Bà ơi…

Tôi thỏa mình mà bơi vào dòng nước cũ, dòng nước trào lên những sắc màu, những sắc màu như cậu tôi ngày xưa cọ vẽ. Con sông lam lũ, dòng nước lam lũ, mồ hôi cậu tôi lam lũ. Nỗi nhớ tôi lam lũ. Ầu ơ…

Tôi lại trở về với đám họa báo của dì tôi. Đám họa báo đã ngả màu. Yêu thương đã ngả màu. Con lật đật của tôi đã ngả màu đu đưa thời gian…
Chiều chậm đi vào chiều. Bến quê, sông quê, tình quê thơm thảo hồn quê. Những người thiên cổ mai kia ai hay đã thấm vào hồn đất. Tôi dụi mắt ngắm một đám mây ngũ sắc, đám mây bỗng chốc cay xè khóe mắt. Người xưa ngoảnh mặt, người xưa nheo mắt, người xưa cúi mặt, người xưa thiên cổ về trời.

Tôi vụm một ngụm nước giếng khơi. Cái giếng ngày xưa tổ tiên tôi đào. Cái giếng trong veo cho cả làng ngày xưa mỗi ngày hạn hán. Giờ quê tôi khác rồi, nước máy chảy về tới tận từng nhà. Cái giếng khơi đào ngày xưa mùa hè nằm đó thở than.
Ngước mắt nhìn lên, những bông hoa hòe đã thì thào nở sau hè. Màu hoa vàng hoe, thời gian mải mê, người đâu người quê. Tôi tần ngần nhớ lời mẹ nói: mới đó mà đã thành người thiên cổ rồi.

Mua sách



Tên

Đất Hóa Tâm Hồn,19,Khi Con Tim Lý Sự,10,Tản văn hay,13,Thương nhớ ngày xưa,8,Trong Mắt Tôi,13,Video,15,
ltr
item
Tản Văn Hồ Huy | Vũ Điệu Ngôn Từ: Vân chữ của Hồ Huy
Vân chữ của Hồ Huy
Vân chữ của Hồ Huy. Đọc Tản văn của Hồ Huy, từ những bài đầu tiên, ta đã bắt gặp cái tạng riêng ấy - một lối văn hoà điệu tuyệt vời cùng thơ, nhạc họa
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgSyS5cuE1qbZ2VdX5oYBn34qx4aS4KsgrbMDUhJKuFNZKjwRcTCyW2VeokugNMHVi-GPJIH2AJyNs0NXSBOgcDH-qf-ESX4WzGcuMuL0_JgdlT-e1-flS_qKiKnwY4G28H1aQBMtvxseA0wqGKKRLjtVtmy4PxhPm6YNKyeY2VThR8DB6RFo4ovyP_Vw/w400-h286/thang-chap.png
https://blogger.googleusercontent.com/img/b/R29vZ2xl/AVvXsEgSyS5cuE1qbZ2VdX5oYBn34qx4aS4KsgrbMDUhJKuFNZKjwRcTCyW2VeokugNMHVi-GPJIH2AJyNs0NXSBOgcDH-qf-ESX4WzGcuMuL0_JgdlT-e1-flS_qKiKnwY4G28H1aQBMtvxseA0wqGKKRLjtVtmy4PxhPm6YNKyeY2VThR8DB6RFo4ovyP_Vw/s72-w400-c-h286/thang-chap.png
Tản Văn Hồ Huy | Vũ Điệu Ngôn Từ
https://hohuy.tanvanhay.vn/2022/07/van-chu-cua-ho-huy.html
https://hohuy.tanvanhay.vn/
https://hohuy.tanvanhay.vn/
https://hohuy.tanvanhay.vn/2022/07/van-chu-cua-ho-huy.html
true
8106957216053897882
UTF-8
Loaded All Posts Not found any posts VIEW ALL Đọc Thêm Reply Cancel reply Delete Bởi Trang Chủ PAGES POSTS View All RECOMMENDED FOR YOU Danh Mục ARCHIVE SEARCH ALL POSTS Not found any post match with your request Back Home Sunday Monday Tuesday Wednesday Thursday Friday Saturday Sun Mon Tue Wed Thu Fri Sat January February March April May June July August September October November December Jan Feb Mar Apr May Jun Jul Aug Sep Oct Nov Dec just now 1 minute ago $$1$$ minutes ago 1 hour ago $$1$$ hours ago Yesterday $$1$$ days ago $$1$$ weeks ago more than 5 weeks ago Followers Follow THIS PREMIUM CONTENT IS LOCKED STEP 1: Share to a social network STEP 2: Click the link on your social network Copy All Code Select All Code All codes were copied to your clipboard Can not copy the codes / texts, please press [CTRL]+[C] (or CMD+C with Mac) to copy Table of Content